Trung Nguyên chìm trong khói lửa loạn lạc suốt mười năm dài đằng đẵng, “Loạn Thế Vi Vương” của Cố Tuyết Nhu là khúc tráng ca bi hùng về thời đại hưng vong, về vương đạo nằm ngay trong tim mỗi con người. Liệu đại nghĩa và thâm tình có đủ sức mạnh để chiến thắng mọi gian khó, trở thành ánh sáng le lói giữa thời cuộc nhiễu nhương?
Câu chuyện bắt đầu với Du Diểu, một công tử mười sáu tuổi quen sống trong nhung lụa, bỗng chốc mất đi tất cả. Gia cảnh sa sút, chỉ còn lại sơn trang hoang vắng mẹ để lại và Khuyển Nhung, người nô bộc trung thành. Từ hai bàn tay trắng, Du Diểu phải đối mặt với thử thách nghiệt ngã đầu tiên trong đời: tự mình gây dựng sự nghiệp giữa cảnh bần hàn khốn khó.
Vận mệnh đưa đẩy chàng đến kỳ khoa cử, bước chân vào kinh thành dự thi. Nhưng giấc mộng công danh chưa thành thì bão táp ập đến. Bộ tộc phương Bắc tràn xuống phía Nam như vũ bão, người Hán ly tán, khói lửa ngút trời, cảnh nước mất nhà tan khiến Du Diểu cùng bao người rơi vào cảnh lang thang phiêu bạt, không nơi nương tựa.
Giữa cơn loạn thế, Du Diểu tìm thấy huynh đệ chí cốt, cùng nhau vượt qua gian khổ, lưu lạc đến Giang Nam. Tại mảnh đất đã bị giày xéo dưới gót sắt quân thù, họ dốc hết tâm huyết, gầy dựng lại cơ đồ, ấp ủ hy vọng phục hưng non sông.
Nhưng chặng đường phía trước vẫn còn lắm chông gai. Nam Triều thoi thóp, bên trong triều đình rối ren, quyền thần tranh đấu, bên ngoài giặc giã lăm le. Vô vàn âu lo hoạn nạn bủa vây lấy mảnh đất đang dần hồi sinh. Liệu giữa muôn trùng khó khăn ấy, ánh trăng nơi đại mạc có thể soi sáng con đường phía trước, mang đến hy vọng cho một tương lai thái bình? Câu trả lời nằm trong “Loạn Thế Vi Vương” của Cố Tuyết Nhu.