Trung Quốc những năm 1960, một cao trào vận động sục sôi lan rộng khắp đất nước. Tôi và Tuyền Béo, hai người lính bộ binh, được điều động về tham gia sản xuất tại Hắc Long Giang, cụ thể là nông trường số 17 thuộc sư đoàn 3, binh đoàn nông khẩn. Mùa đông đang đến gần, lão trung đội trưởng phân công chúng tôi ba người, gồm tôi, Tuyền Béo và một nhân viên liên lạc ở lại trông coi vật tư, còn ông ấy dẫn theo những người khác rời khỏi nông trường. Trong thời gian ở lại, chúng tôi phát hiện số củi trong kho ngày một vơi dần. Giữa vùng núi tuyết phủ trắng xóa, củi lửa chính là mạng sống. Hóa ra thủ phạm là một con hồ ly đang lén lút trả thù bằng cách lấy cắp củi. Vài ngày sau, một trận bão tuyết kinh hoàng chưa từng có ập đến. Định bụng úp sọt con hồ ly, chúng tôi lại vô tình gặp phải một đàn sói Siberia đang chạy tán loạn vì bão. Để thoát thân, chúng tôi bám theo con hồ ly chui vào một hang đất, nào ngờ lại lạc vào một cổ mộ từ thời nhà Liêu đã bị che giấu hàng ngàn năm…
Dưới gầm trời này, mọi chuyện đều khó có thể nói rõ ràng chỉ bằng một vài câu chữ. Lịch sử 5000 năm thăng trầm của Trung Hoa đã chứng kiến vô số bậc kỳ tài xuất hiện. Có người khởi đầu gian nan, như Hàn Tín, tài năng xuất chúng nhưng thuở hàn vi phải chịu biết bao nhục nhã. Sau này, dù được phong tướng, bày mưu tính kế vây khốn Sở Bá Vương Hạng Vũ bên sông Ô Giang, ép Hạng Vũ phải tự vẫn, nhưng cuối cùng, cuộc đời ông cũng kết thúc đầy bi kịch khi bị Lã Hậu sát hại trong cung. Hàn Tín còn như vậy, huống chi người thường? Có kẻ trước nghèo sau giàu, người lại trước giàu sau nghèo, đời người muôn hình vạn trạng, mấy ai được thuận buồm xuôi gió.
Chuyện kể về một gia đình giàu có nức tiếng một phương, ruộng vườn bát ngát, buôn bán phát đạt, tiền bạc chất như núi. Gia chủ bỏ tiền ra mua một chức quan, được người đời gọi là lão viên ngoại. Ông nổi tiếng là người nhân hậu, thích làm việc thiện, kính lão đắc thọ, ai gặp khó khăn đều được ông ra tay cứu giúp. Tu sửa cầu đường, giúp đỡ người nghèo, mùa đông phát chăn áo, mùa hè phát thuốc thang, quanh năm mở cửa nhà giúp đỡ người cơ nhỡ. Người nghèo không cơm ăn áo mặc tìm đến đây, chỉ cần bát cháo ngô, chiếc màn thầu cũng đủ no lòng. Việc thiện nguyện này kéo dài không chỉ một ngày hai ngày, mà quanh năm suốt tháng, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của. Cả đời viên ngoại không màng danh lợi, chỉ chuyên tâm làm việc thiện, nên được người đời xưng tụng là Bồ Tát sống, là đại thiện nhân, khó ai sánh bằng.
Dù tổ tiên từng làm quan to trong triều, nhưng đến đời viên ngoại, ông đã từ quan về kinh doanh buôn bán. Bởi người ta thường nói “từ bất chưởng binh, tình bất lập sự, nghĩa bất lập tài, thiện bất chưởng ấn”, người thật sự tốt sẽ không muốn làm quan, bởi quan trường lắm sóng gió, nhiều việc trái với lương tâm. Viên ngoại là một người thiện lương từ trong ra ngoài, nhưng “nhân bất thập toàn”, dù giàu sang phú quý, ông vẫn có nỗi niềm riêng, đó là không có con nối dõi.
Ông thường than thở với phu nhân: “Bà thấy đấy, người ngoài gọi ta là đại thiện nhân, nhưng cũng có kẻ nói xấu sau lưng ta rằng ta làm việc thiện chỉ để che đậy tội ác, rằng ta giả nhân giả nghĩa, nếu thật lòng tốt thì tại sao lại không có con? Ta nghĩ trời cao có mắt, thần phật linh thiêng, đáng lẽ phải cho ta một đứa con, dù là trai hay gái cũng được. Gia nghiệp lớn thế này, sau này ta nhắm mắt xuôi tay biết giao cho ai? Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại, ta biết ăn nói sao với tổ tiên đây?”. Nỗi lòng không con cứ giày vò ông, khiến ông oán trách cả phu nhân. Hai vợ chồng già ngồi cạnh nhau, chỉ biết trách móc lẫn nhau, viên ngoại nhìn phu nhân chướng mắt, phu nhân nhìn viên ngoại cũng thấy khó chịu. Câu chuyện của họ rồi sẽ đi về đâu? Mời các bạn đón đọc “Mô Kim Quyết: Quỷ Môn Thiên Sư” của tác giả Thiên Hạ Bá Xướng.