“Ngàn Hạc Giấy của Sadako” là câu chuyện cảm động về Sasaki Sadako, một cô bé hai tuổi may mắn sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử kinh hoàng ở Hiroshima ngày 6/8/1945. Mặc dù thoạt nhìn hoàn toàn lành lặn, nhưng chất độc phóng xạ âm thầm len lỏi vào cơ thể Sadako, ủ bệnh suốt mười năm rồi bùng phát thành căn bệnh ung thư máu quái ác khi em còn đang học tiểu học.
Dù phải đối mặt với sự suy yếu của cơ thể, những cơn đau đớn và hạch, vết ung thư lan rộng, Sadako vẫn giữ vững nụ cười lạc quan và tình yêu thương dành cho gia đình. Em dành những ngày cuối đời để gấp hạc giấy, gửi gắm vào đó những nguyện ước tha thiết về sức khỏe và hạnh phúc. Hình ảnh Sadako gấp hạc giấy đã trở thành biểu tượng của tình yêu thương, khát vọng hòa bình và là nguyên mẫu cho bức tượng bé gái nâng hạc giấy trên Đài tưởng niệm Hòa bình cho Trẻ em ở Hiroshima.
Cuốn sách tái hiện lại khoảnh khắc kinh hoàng khi quả bom nguyên tử phát nổ trên bầu trời Hiroshima, cướp đi sinh mạng của hàng vạn người, biến thành phố yên bình thành biển lửa và tro tàn. “Mưa đen” phóng xạ đã gieo rắc mầm bệnh cho những người sống sót, trong đó có Sadako. Từ hai tuổi đến mười hai tuổi, cuộc đời ngắn ngủi của em là hành trình chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Cuốn sách khắc họa chân thực gần một năm Sadako điều trị, những giọt nước mắt, nỗi đau đớn và sự hi sinh của em và gia đình, khiến người đọc vừa cảm phục, yêu mến vừa xót xa.
Xuyên suốt câu chuyện về Sadako, tác giả Sasaki Masahiro, anh trai của em, cũng khắc họa bức tranh xã hội Nhật Bản thời hậu chiến đầy gian khó. Đất nước kiệt quệ, người dân vật lộn với đói nghèo, cơm áo gạo tiền, nhưng vẫn ánh lên tình người ấm áp, sự đoàn kết và khát vọng vươn lên. Không oán hận, không thù hằn, họ cùng nhau xây dựng lại cuộc sống từ đống đổ nát, tựa như tình thương yêu đùm bọc trong gia đình Sadako.
Tác giả Sasaki Masahiro, sinh năm 1941 tại Hiroshima, cũng là một nạn nhân của vụ nổ bom nguyên tử. Ông đã dành nhiều năm sau đó để kể lại câu chuyện về em gái mình, lan tỏa thông điệp về hòa bình và tình yêu thương đến khắp nơi trên đất nước Nhật Bản. Qua câu chuyện về Sadako và những cánh hạc giấy, ông muốn gửi gắm lời lên án mạnh mẽ chiến tranh, đồng thời tôn vinh sự kiên cường, lòng dũng cảm và tình yêu thương của những đứa trẻ là nạn nhân của bom đạn. “Ngàn Hạc Giấy của Sadako” không chỉ là câu chuyện về một cô bé, mà còn là câu chuyện về khát vọng hòa bình, về sức mạnh của tình yêu thương và hy vọng vượt lên trên mọi đau thương, mất mát.