Trong bối cảnh ngành công nghiệp an ninh Trung Quốc phát triển bùng nổ trong thập kỷ qua, camera giám sát phủ sóng khắp các thành phố, cùng với công nghệ theo dõi tín hiệu và giám sát mạng tiên tiến, cảnh sát Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên điều tra hình sự điện tử toàn diện. Hàng Châu, trung tâm của ngành công nghiệp an ninh, nơi tập trung các công ty hàng đầu, trở thành biểu tượng cho cả phần cứng an ninh lẫn trình độ điều tra điện tử. Tuy nhiên, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2016, một loạt vụ án bí ẩn đã làm lung lay niềm tin vào hệ thống an ninh tưởng chừng bất khả xâm phạm này. Một nhóm tội phạm liên tiếp đột nhập vào các căn hộ cao cấp mà không để lại bất kỳ dấu vết nào trên camera giám sát. Kỳ lạ hơn, một chiếc xe được định vị vệ tinh đã biến mất khỏi trung tâm thành phố rồi xuất hiện ở ngoại ô, cũng không hề bị camera ghi hình, mặc dù dữ liệu định vị cho thấy nó di chuyển với tốc độ khó tin là gần 300km/giờ.
Tử Kim Trần, tác giả truyện trinh thám nổi tiếng Trung Quốc, người từng giành được hai giải thưởng danh giá “10 tác giả xuất sắc trong năm” và “10 tác phẩm xuất sắc nhất” của văn học Thiên Nhai năm 2012, tiếp tục mang đến cho độc giả một câu chuyện ly kỳ và đầy kịch tính trong “Người Truy Tìm Dấu Vết”. Khác với phong cách quen thuộc là tập trung vào tâm lý tội phạm, khiến người đọc phần nào đồng cảm với kẻ gây án trong các tác phẩm như “Mưu sát”, “Đứa trẻ hư”, “Tội lỗi không chứng cứ”, “Sự trả thù hoàn hảo” và “Đêm trường tăm tối”, “Người Truy Tìm Dấu Vết” là tác phẩm thứ hai mà Tử Kim Trần lựa chọn giấu kín danh tính hung thủ, để độc giả tự mình suy luận và khám phá. Dù không gây ấn tượng mạnh mẽ như những tác phẩm trước, nhưng cốt truyện vẫn giữ được chất logic chặt chẽ đặc trưng của ông.
Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng, khi Thẩm Nghiêm, cựu kỹ sư cao cấp của công ty an ninh hàng đầu Đại Khang, lái xe đến nhà bố vợ ở thị trấn Lưu Hạ. Bốn năm trước, Thẩm Nghiêm rời bỏ công việc với mức lương hậu hĩnh để theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp. Tuy nhiên, con đường kinh doanh không hề bằng phẳng. Công ty của anh đang đứng bên bờ vực phá sản do khó cạnh tranh với các ông lớn trong ngành. Hy vọng cuối cùng của Thẩm Nghiêm là vay được 30 triệu tệ từ bố vợ để cứu vãn tình thế. Nhưng bố vợ, một người từng thất bại trong đầu tư, tỏ ra không mấy mặn mà với dự án của anh.
Đến nhà bố vợ, Thẩm Nghiêm nhận thấy những dấu hiệu bất thường: xe của bố vợ không có ở nhà, điện thoại của cả bố và mẹ vợ đều tắt máy, và chiếc kính mà bố vợ luôn mang theo bên người lại nằm trên bàn. Linh cảm chẳng lành, anh lên tầng ba và phát hiện căn phòng ngủ của bố mẹ vợ có dấu hiệu xáo trộn. Trên bàn trang điểm, một mảnh giấy nhỏ với dòng chữ đe dọa hiện ra: “NO.5, người đang ở trong tay tôi, nếu báo cảnh sát sẽ giết ngay con tin.”
Cùng lúc đó, tại phòng chỉ huy đội Điều tra hình sự Công an thành phố, Đại đội trưởng Lâm Kỳ đang đau đầu với một vụ bắt cóc kỳ lạ. Camera giám sát ghi lại được hình ảnh chiếc xe của nạn nhân bị một kẻ đeo khẩu trang lái đi. Dữ liệu GPS cho thấy chiếc xe di chuyển với tốc độ phi lý lên tới gần 300km/giờ theo đường thẳng, xuyên qua các tòa nhà. Liệu đây là lỗi hệ thống hay một âm mưu tinh vi vượt quá sức tưởng tượng?