“Thanh Triều Xuyên Qua Ký” của tác giả Dạ Huệ Mỹ kể về hành trình xuyên không đầy bất ngờ của gia đình Tề Lạc từ thời hiện đại đến thời nhà Thanh. Nữ chính Tề Lạc bỗng chốc trở thành Nữu Hỗ Lộc Tề Lạc, quý phi của Ung Chính hoàng đế và là thân mẫu của Càn Long. Biết trước lịch sử và không cam chịu số phận làm thiếp, cả gia đình quyết tâm thay đổi vận mệnh đã được định sẵn.
Trong tình huống éo le này, cha của Tề Lạc nổi lên như nhân vật có nội tâm mạnh mẽ và phức tạp nhất. Ở hiện đại, ông chỉ là một cảnh sát quèn vì đắc tội với cấp trên. Dù gia cảnh không mấy khá giả nhưng ông luôn yêu thương vợ con hết mực. Khi bạn trai của Tề Lạc bỏ rơi cô để theo đuổi con gái sếp, ông đã vô cùng hận bản thân bất tài, không thể cho con gái một cuộc sống tốt hơn. Chính vì vậy, khi biết con gái trở thành Nữu Hỗ Lộc thị, ông quyết tâm thăng quan tiến chức để làm chủ hôn nhân của con, giúp cô thoát khỏi kiếp làm thiếp.
Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính. Dù ông nỗ lực thăng tiến và trở thành tâm phúc của hoàng đế, nhưng cuối cùng Khang Hy lại tự mình chỉ định hôn sự cho Tề Lạc chỉ sau một cái liếc mắt. Trải qua nhiều biến cố, Tề Lạc vẫn trở thành thê tử của Tứ a ca, nhưng với thân phận kế phúc tấn.
Tình cảm của Dận Chân dành cho Tề Lạc không hề cuồng nhiệt hay vồn vã. Chàng xem nàng là người phù hợp để ở bên cạnh, nhưng giữa Tề Lạc và hoàng vị, chàng luôn đặt hoàng vị lên trên. Vì vậy, không ít lần Dận Chân nạp thêm thê thiếp để củng cố quyền lực và bảo vệ Tề Lạc khỏi trở thành mục tiêu của những thế lực khác.
Tác giả đã tô điểm cho nhân vật Tề Lạc khá nhiều ưu điểm, nhưng vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được. Là một cô gái thiện lương đến từ xã hội hiện đại tự do và bình đẳng, Tề Lạc ban đầu gặp nhiều khó khăn khi thích nghi với xã hội phong kiến đầy rẫy những toan tính quyền lực. Cô từng thương cảm cho những con người bị quyền lực chi phối, nhưng sau khi chứng kiến sự ích kỷ của thế gian, lòng khoan dung của cô dần biến mất. Tình cảm của Tề Lạc dành cho Dận Chân có phần nhỉnh hơn. Cô từng ghen tuông và tủi thân khi chàng nạp thiếp, nhưng cô hiểu rằng mình không thể yếu đuối vì các con.
Tình yêu giữa Dận Chân và Tề Lạc không ồn ào, không vồ vập mà được vun đắp qua năm tháng, giống như một loại rượu ngon được ủ lâu năm. Nó không chỉ đơn thuần là tình yêu nam nữ mà còn là tình bạn, tình thân.
“Thanh Triều Xuyên Qua Ký” không chỉ xoay quanh chuyện tình của Dận Chân và Tề Lạc mà còn khắc họa tình cảm gia đình giữa Tề Lạc với cha mẹ, em trai và các con, giữa Dận Chân với Đức phi và tiên hoàng hậu. Những mối quan hệ yêu hận đan xen này đã góp phần làm nổi bật tính cách của từng nhân vật.
Đặc biệt, mối quan hệ giữa Lăng Trụ, cha của Tề Lạc, và Khang Hy cũng rất thú vị. Không chỉ là vua tôi, họ còn là bạn bè, tri kỷ. Chỉ có Lăng Trụ mới thực sự hiểu được nỗi lòng của Khang Hy. Mối quan hệ này ẩn chứa nhiều “hint” khiến người đọc không khỏi tò mò về dụng ý của tác giả.
Một nhân vật đáng chú ý khác là Bát phúc tấn, một người phụ nữ xinh đẹp, tài hoa và kiêu ngạo nhưng lại yêu Dận Tự đến quên mình. Vì tình yêu đó, cô sẵn sàng từ bỏ tất cả, giống như một con chim công xinh đẹp tự nhuộm đen bộ lông của mình, một tình yêu khiến cô trở nên hèn mọn.
Được mệnh danh là một trong những bộ truyện Thanh xuyên kinh điển thời kỳ đầu của ngôn tình, “Thanh Triều Xuyên Qua Ký” không hề khiến người đọc thất vọng. Với hơn 500 chương, mỗi chương dài gấp đôi, gấp ba so với truyện thông thường, câu chuyện để lại nhiều cảm xúc hỗn độn, buồn vui lẫn lộn. Tuy nhiên, điểm yếu của truyện cũng như tác giả chính là chủ nghĩa dân tộc quá mạnh mẽ. Dù 2/3 đầu truyện bám sát lịch sử, nhưng 1/3 cuối lại thay đổi hoàn toàn kết cấu. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận nội dung và cấu trúc truyện rất xuất sắc. Văn phong chắc tay, diễn biến tâm lý nhân vật logic, cung đấu, trạch đấu kịch tính nhưng vẫn ngọt ngào, lãng mạn, ngoại trừ đoạn kết lấy đi không ít nước mắt của người đọc. Tóm lại, đây là một bộ truyện rất đáng đọc. Đoạn trích cuối cùng là mở đầu của câu chuyện, khi Tề Lạc vừa tỉnh dậy sau khi xuyên không và đang lo lắng cho cha mẹ mình.