Văn học võ hiệp Trung Hoa, từ những bước chập chững ban đầu bị xem là dòng văn học thấp cấp cho đến khi được công nhận một vị trí xứng đáng, đã để lại một di sản đồ sộ, không thể phủ nhận. Công lao lớn nhất trong việc nâng tầm dòng văn học này thuộc về Kim Dung tiên sinh. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan liên quan đến lịch sử, văn hóa và chính trị, cho đến nay, rất ít công trình nghiên cứu một cách đầy đủ và sâu sắc về văn học và văn hóa võ hiệp.
Cuốn sách “Văn Hóa Võ Hiệp” của tác giả Ôn Tử Kiến là một trong những tác phẩm hiếm hoi thực hiện được điều này. Cuốn sách gồm bảy chương, lần lượt đi sâu vào các khía cạnh: Khái quát về võ hiệp; Thế giới giang hồ; Xuất thân của hiệp khách; Đặc trưng tính cách của hiệp khách; Thế giới quan võ hiệp; Những mối quan hệ lớn của võ hiệp; và Ý nghĩa hiện đại của võ hiệp.
Thuật ngữ “Võ hiệp” được sử dụng trong hai lĩnh vực: võ hiệp trong xã hội – lịch sử và võ hiệp trong văn học. Trong xã hội truyền thống Trung Quốc, võ hiệp là những võ sĩ tự do, thường hành hiệp trượng nghĩa, cứu khốn phò nguy, dùng sức mạnh để diệt trừ bạo lực, bất chấp hiểm nguy, sống chết. Theo Đoàn Ngọc Tài trong “Thuyết văn chú”, chữ “hiệp” vốn là chữ “giáp”, tượng hình người mặc áo giáp, tức là “võ sĩ”. Hiệp sĩ là những người coi thường sống chết, dám xả thân vì nghĩa. Chữ “võ” mang nghĩa gốc là “chỉ qua” (dừng chiến tranh). Như vậy, hiệp sĩ là người mặc giáp, cầm binh khí xông pha trận mạc để đem lại hòa bình.
“Hàn Phi Tử” là tác phẩm đầu tiên xuất hiện chữ “hiệp”. Trong thiên “Ngũ đố”, Hàn Phi Tử cho rằng “hiệp lấy võ phạm cấm”, là những kẻ mang kiếm, tập hợp đồ đảng, lập khí tiết để nổi danh, vì thế phạm vào cấm lệnh của vua quan. Hàn Phi Tử xem võ hiệp là loại dân ương bướng, không kính trọng bề trên, không sợ pháp luật, là một trong năm loại sâu mọt của quốc gia, thuộc vào “sáu loại dân gian ngụy vô ích”. Như vậy, “hiệp” trong quan niệm của Hàn Phi Tử mang nghĩa tiêu cực, khác xa so với cách hiểu của người đời nay.
Sử gia Tư Mã Thiên là người đầu tiên viết “liệt truyện” về du hiệp và thích khách, đồng thời cũng là người đầu tiên có cái nhìn khách quan, công bằng về công và tội của họ. Trong thiên “Du hiệp liệt truyện” của “Sử ký”, Tư Mã Thiên cho rằng dù việc làm của du hiệp không theo pháp luật, nhưng họ giữ lời hứa, hành động quả quyết, không tiếc mạng sống để cứu người. Họ không khoe khoang, kể công, coi việc kể ơn là điều đáng thẹn. Tư Mã Thiên đặt câu hỏi: “Nếu xét về mặt công lao, giữ được lời đã hứa, thì có thể xem thường nghĩa khí của bọn hiệp khách được sao?”. Cách nhìn nhận về võ hiệp ngày nay kế thừa quan điểm của “Sử ký”, thể hiện sự thấu hiểu và kiến giải vượt thời gian của vị sử gia hơn hai ngàn năm trước.
Mời bạn đọc tải và khám phá cuốn sách “Văn Hóa Võ Hiệp” của tác giả Ôn Tử Kiến.